Thường trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng thứ 6, nhưng cũng có thể sớm hơn (tháng thứ 5) hoặc muộn hơn (tháng 7)
Nhiều phụ huynh thường nghĩ rằng răng sữa không quan trọng, vì dù sao nó
cũng sẽ được thay thế bởi răng vĩnh viễn sau này. Nhưng cũng có nhiều
cha mẹ lại rất lo lắng về thời kỳ mọc răng sữa ở con, đặc biệt là sự
chậm mọc răng sữa. Cả hai cách nghĩ này đều không đúng.
Thông thường chiếc răng đầu tiên của bé là răng cửa giữa hàm dưới,
mọc khi 6-8 tháng tuổi. Bé có đủ 20 răng sữa (10 cái hàm trên và 10 cái
hàm dưới) khi được 24-30 tháng. Mỗi hàm sẽ gồm 2 răng cửa giữa, 2 răng
cửa bên, 2 răng nanh, 2 răng hàm nhỏ và 2 răng hàm lớn.
Quá trình phát triển của răng ở trẻ em
Giai đoạn răng sữa kéo dài từ khi trẻ mọc răng sữa đầu tiên cho đến 5
tuổi. Những chiếc răng đầu tiên xuất hiện khi bé 6 tháng tuổi và sẽ mọc
đủ 20 chiếc trong vòng 18 tháng sau đó. Các răng này sẽ lung lay và
được nhổ trong độ tuổi từ 7 đến 12 tuổi và được thay thế bằng răng vĩnh
viễn.
Ngoài 20 răng vĩnh viễn thay thế răng sữa, 12 răng mới sẽ mọc lên và
những mầm răng đầu tiên của nhóm này sẽ xuất hiện khi trẻ 6 tuổi và được
gọi là răng hàm vĩnh viễn đầu tiên. Đây là những chiếc răng rất quan
trọng. Tất cả các răng vĩnh viễn sẽ mọc xong ở tuổi 14, ngoại trừ các
răng khôn (thường mọc ở khoảng 17 – 25 tuổi).
Như vậy, ở độ tuổi từ 6 – 12 tuổi, một đứa trẻ sẽ có cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Đây được gọi là giai đoạn hỗn hợp.
Tầm quan trọng của răng sữa
Răng sữa không hề kém quan trọng mà ngược lại, nó còn có vai trò then
chốt đối với trẻ. Sau 6 tháng, trẻ sẽ bắt đầu ăn bổ sung với những thức
ăn cứng và khó tiêu hơn. Lúc này, răng sữa chính là công cụ chủ yếu
giúp trẻ nhai, cắn và tiêu hóa thức ăn.
Suy nghĩ rằng chỉ răng vĩnh viễn mới quan trọng thật sai lầm vì răng
sữa là tiền đề để mọc răng vĩnh viễn. Nó giúp răng vĩnh viễn mọc đều
hơn, không chen chúc. Thông thường, một răng sữa mọc lên và đứng trên
cung hàm. Sau vài năm, chân răng bắt đầu tiêu dần, chuẩn bị nhường chỗ
cho một mầm răng vĩnh viễn sẽ trồi lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa
bị hỏng và phải nhổ sớm, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên
không mọc ngay được, lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Mầm răng
vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch. Tiền đề
bao giờ cũng rất quan trọng.
Răng sữa còn giúp trẻ phát âm. Nếu răng sữa bị hỏng sớm, phải nhổ, trẻ có thể nói ngọng.
Những vấn đề thường gặp khi bé mọc răng
Lúc mọc răng, mỗi bé có một cách phản ứng riêng, không bé nào giống
bé nào. Một số bé bị đau nướu trong khi nhiều bé lại vượt qua giai đoạn
này một cách dễ dàng. Chảy nước dãi nhiều. má bị đỏ, đau ngứa lợi, khóc
nhiều hơn bình thường là những biểu hiện thường thấy ở trẻ trong quá
trình mọc răng sữa
Nếu bé quấy khóc nhiều, bạn có thể đưa bé đi khám bác sĩ để có cách
giúp bé giảm đau khi mọc răng. Hiện nay, người ta vẫn còn đang tranh cãi
việc mọc răng có gây tiêu chảy hoặc bị nổi rôm sảy hay không. Tuy
nhiên, có một điều chắc chắn rằng, mọc răng không hề gây cho bé bị sốt
cao, ho, co giật hay bất cứ một triệu chứng nghiêm trọng nào khác. Nếu
xuất hiện các triệu chứng này cần nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ, bởi
các triệu chứng này không phải là do mọc răng.
Chăm sóc răng đúng cách
Chăm sóc bé trong thời kỳ mọc răng đòi hỏi bạn phải rất chú ý vì bé
sẽ ngứa lợi và có thể cắn bất cứ vật dụng gì trong tầm tay. Chị Linh (
Hàng Trống- Hà Nội) khi đi làm về đã tá hỏa lên vì thấy con (8 tháng)
đang cố chọc cán thìa inox vào miệng. Hóa ra là do chị giúp việc vô ý
làm rơi chiếc thìa và đứa bé thì đang trong thời kỳ mọc răng nên tiện
tay cho luôn vào miệng. Cán thìa inox nếu không cẩn thận sẽ chọc vào
họng bé như chơi. Sau lần đấy, chị Linh đã phải dọn đi toàn bộ thìa,
đũa, đồ chơi sắc cạnh và mua những đồ bằng nhựa mềm để thay thế. Chị
Linh còn mua thêm những quả bóng nhựa tròn để bé không cắn được. Tốt
nhất lúc này, bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng
lê, táo hay cà rốt nhỏ. Vừa vệ sinh lại không gây nguy hiểm cho lợi của
bé.
Trẻ có thói quen cho đầu ngón tay cái vào miệng và…mút ngon lành.
Nhiều cha mẹ thường không để ý tới điều này và coi đó là chuyện bình
thường. Tuy nhiên, thói quen mút tay có thể sẽ đẩy các xương hàm chưa
liền ra phía trước, làm răng mọc không đều, không thẳng hàng, có thể gây
vẩu.
Việc chăm sóc vệ sinh răng miệng cho bé là vô cùng cần thiết nhé. Nếu
bé chưa có hoặc mới mọc răng, chưa biết cách súc miệng và nhổ ra, bố mẹ
có thể cho bé uống nước để súc miệng sau khi ăn. Ít nhất 1 lần/ngày
dùng gạc quấn quanh ngón tay nhúng vào nước sạch để chùi răng, lợi cho
bé, chú ý chùi cả bên trong lẫn bên ngoài.
Khi bé đã biết nhổ ra, không nuốt kem đánh răng nữa (thường là lúc 3
tuổi), bắt đầu tập cho bé đánh răng. Chọn loại bàn chải có lông mềm, cấu
trúc và kích cỡ phù hợp với lứa tuổi của bé. Thuốc đánh răng phải không
cay, hơi ngọt và có mùi thơm, có thể thêm chất phòng ngừa bệnh răng
miệng và chất tẩy làm răng trắng; chỉ bôi một lượng nhỏ bằng hạt đậu
đen.
Cách đánh răng đúng: Với mặt ngoài răng, nghiêng bàn chải để lông bàn
chải ép nhẹ lên lợi và răng, rung nhẹ để lông chui vào kẽ răng và di
chuyển hết mặt ngoài theo chiều lên và xuống. Với mặt trong răng, làm
giống như mặt ngoài nhưng chú ý để bàn chải thẳng đứng và cũng di chuyển
lên xuống. Với mặt nhai, để lông bàn chải thẳng đứng, chải ngang từng
đoạn ngắn.
Để có hàm răng khỏe mạnh thì chế độ ăn uống hợp lý rất quan trọng.
Sau khi răng đã hình thành, trẻ rất cần fluor để làm men răng cứng chắc,
chống đỡ vi khuẩn gây sâu răng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý cho con ăn
những thức ăn giàu fluor như cá (đặc biệt là cá biển), trứng, sữa tươi,
gan… Đồ ngọt rất dễ làm bé sâu răng. Vì vậy các mẹ nên cung cấp lượng
đường cho con bằng những thứ thay thế hợp lý như hoa quả tươi, rau xanh
và nước. Tránh cho conăn uống các loại nước có ga, xiro và kẹo.
Mọc răng sớm hay muộn còn tùy thuộc vào từng trẻ và đừng lo lắng quá
nếu con mình 6 tháng rồi mà vẫn chưa mọc răng. Tuy nhiên các mẹ cũng nên
lưu ý rằng nếu trẻ được 16 tháng mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi
là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương, cần cho trẻ ăn nhiều chất
đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.
Theo Eva