Đầu
tiên, bác sĩ chỉnh nha sẽ hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, lấy dấu nghiên
cứu, chụp ảnh ngoài mặt và trong miệng và chụp phim tia X để đánh giá
các chỉ số sọ mặt. Tập hợp tất cả các dữ kiện này, ngoài việc giúp bác
sĩ chẩn đoán mức độ lệch lạc răng mặt và lập kế hoạch điều trị, còn rất
hữu ích để theo dõi tiến triển của điều trị. Kế hoạch điều trị sẽ được
bác sĩ thảo luận tỉ mỉ và chi tiết với bạn trước khi tiến hành điều trị.
Bạn sẽ được mang khí cụ chỉnh nha là loại tháo lắp hay cố định hoặc
phối hợp các loại khí cụ này trong từng giai đoạn.
Khí
cụ tháo lắp là khí cụ bạn có thể tháo ra và lắp vào dễ dàng. Thông
thường khí cụ tháo lắp là những bản nhựa, trên đó có các móc dây kim
loại, lò xo, cung môi... Bác sĩ sẽ điều chỉnh lực của các thành phần
trong khí cụ mỗi khi tái khám. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể
điều chỉnh khí cụ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Các khí cụ chỉnh hình
chức năng như chụp đầu, bionator và khí cụ nới rộng hàm trên hướng dẫn
phát triển và tăng trưởng của xương hàm ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
Chẳng
hạn, khí cụ nới rộng hàm trên có thể mở rộng hàm trên bị hẹp trong vài
tháng. Chụp đầu có thể làm cho hai hàm trên và dưới hài hòa nhau hơn.
Khí
cụ cố định là những mắc cài được gắn cố định vào răng. Mắc cài có thể
bằng sứ, kim loại hay nhựa. Một dây kim loại liên kết tất cả các mắc cài
và thông qua mắc cài tạo lực làm di chuyển răng đến vị trí mong muốn.
Lực tạo ra do khí cụ này là lực nhẹ liên tục, làm di chuyển răng nhưng
không gây ra tổn hại các cấu trúc nâng đỡ răng bên dưới.
Sau
khi các răng đã di chuyển đến vị trí mong muốn, khí cụ sẽ được tháo ra
và kết quả sẽ được duy trì thêm một thời gian bằng các biện pháp duy
trì. Nếu không có thời gian điều trị duy trì, các răng có thể di chuyển
trở lại, hay còn gọi là tái phát.